Cuối ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng năm 2022 lên thành 15,5-16% so với mục tiêu đầu năm là 14%, tức là tăng thêm khoảng 1,5-2%.

Tăng Chỉ Tiêu Tín Dụng Định Hướng Năm 2022 Thêm Khoảng 1,5-2%

Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông báo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 với mức tăng 1,5-2%. Đây là tin vui và gây bất ngờ bởi trước đó dù có nhiều đề nghị nhưng Ngân hàng Nhà nước khẳng định không nới hạn mức tín dụng quá 14% nhằm kiềm chế lạm phát. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ nới room tín dụng cho một số ngân hàng thuộc nhóm Big4 và các ngân hàng tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

Trong thông cáo phát đi, lý giải về quyết định nới room tín dụng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết do tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn, do đó, Ngân hàng Nhà nước nới room theo hướng ngân hàng có lãi suất thấp hơn, thanh khoản tốt hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Tỷ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố nhưng có thể thấy rằng các nhóm ngân hàng thương mại mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng năm 2022 cho toàn hệ thống ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ… các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn nhằm đảm bảo an toàn, tính thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết Nguyên đán nhằm giúp các tổ chức tín dụng yên tâm khi cấp tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh rằng đây là những giải pháp linh hoạt trong bối cảnh hiện nay. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát vào những dự báo, tình hình, đặc biệt là những diễn biến của lạm phát nhằm xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tín dụng, tiền tệ năm 2023.

Nới Room Tín Dụng Ảnh Hưởng Ra Sao Đến Thị Trường Bất Động Sản?

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, quy mô dự nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính tới tháng 9 đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,05% so với cuối năm 2021. Với việc nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% thì quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng và tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 năm nay sẽ vào khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy rằng, nới room tín dụng năm 2022 là động thái kịp thời của Ngân hàng Nhà nước giải quyết vấn đề thanh khoản của ngân hàng và thanh khoản của cả nền kinh tế giai đoạn từ nay đến cuối năm. Theo đó, các ngân hàng sẽ có thêm dư địa để cho vay, những lo ngại về việc nợ xấu phát sinh trong kỳ báo cáo cũng được giảm bớt, lãi cũ thu được và lãi mới phát sinh trên sổ sách, từ đó giúp các ngân hàng tăng thu nhập trong quý cuối cùng của năm 2022. Còn các doanh nghiệp đảm bảo được thanh khoản khi tiếp cận được dòng vốn từ phía ngân hàng nhờ room mới.

bất động sản

Được nới room nhưng tín dụng vẫn khó chạy vào bất động sản.

Với riêng lĩnh vực bất động sản, tình hình chung vẫn khó khăn đến hết năm 2022 do tín dụng ưu tiên cho các lĩnh vực Chính phủ khuyến khích. Bước sang năm 2023, các chuyên gia kỳ vọng, khi có room tín dụng mới sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động hơn hiện tại. Dòng tiền room tín dụng mới dù không nhiều nhưng sẽ giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cũng theo các chuyên gia, người mua nhà, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về tỷ trọng vốn vay. Phần trăm cho vay càng ít càng tốt nhằm tránh những rủi ro đuối tài chính khi hết thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi. Tỷ trọng vốn vay mua nhà chỉ nên cân nhắc ở mức dưới 50% giá trị tài sản, ngoài ra, chỉ nên dành tối đa 40% tổng thu nhập hàng tháng cho nhà ở nhằm đảm bảo các chi phí cho những nhu cầu cơ bản khác.

Nguồn: batdongsan.com.vn