Quy hoạch mạng lưới đường sắt mới định hướng tầm nhìn đến 2050 sẽ tạo nên mạng lưới đường sắt liên hoàn, kết nối liên vùng.

Đảm bảo kết nối các đầu mối vận tải giữa các vùng, miền, kết nối mạng đường sắt quốc tế

Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT công bố mới đây đã định hướng đến 2050 sẽ hoàn thành kết nối vùng tạo nên mạng lưới đường sắt liên hoàn.

Tuyến đường sắt Bắc – Nam trên trục dọc, từ đây sẽ có các tuyến nhánh, kết nối

Theo tư vấn lập quy hoạch, mạng lưới đường sắt hiện tại đi qua 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hiện còn 29 tỉnh chưa có kết nối trực tiếp bằng đường sắt. Nếu xét trên phương diện kết nối vùng thì hiện tại còn vùng Tây Nguyên (5 tỉnh) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh) chưa có tuyến đường sắt đi qua. Tuy nhiên, ngay cả các vùng đã có đường sắt kết nối đến thì vẫn còn 11 tỉnh chưa có đường sắt kết nối, trong đó miền núi phía Bắc có 9 tỉnh, Đông Nam bộ có 2 tỉnh.

Quy hoạch đường sắt trước đây và cả chiến lược phát triển đường sắt đưa ra nhiều tuyến mới, hình thành mạng đường sắt từ trục dọc Bắc – Nam đến các tuyến nhánh, kết nối. Trong đó có đường sắt từ TP.HCM đến Cà Mau. Tuy nhiên, tại phương án quy hoạch mới, chỉ đưa vào tuyến TP.HCM – Cần Thơ, còn từ Cần Thơ đến Cà Mau không đưa vào nữa vì đoạn tuyến này không có mật độ vận tải dự báo đủ lớn.

Vì vậy, tại quy hoạch lần này, về phân bố không gian mạng lưới đường sắt quốc gia được hoạch định theo các hành lang chính có nhu cầu vận tải khối lượng lớn cả hành khách và hàng hóa (11/30 hành lang vận tải), trên cơ sở phân bổ nhu cầu vận tải phù hợp ưu thế của từng phương thức, đảm bảo kết nối các đầu mối vận tải giữa các vùng, miền, kết nối mạng đường sắt quốc tế.

Cụ thể, tuyến đường sắt xương sống trên trục dọc Bắc – Nam; Các tuyến đường sắt kết nối với 2 khu đầu mối đường sắt Hà Nội, TP.HCM; Đường sắt kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia; Đường sắt dọc các tỉnh Tây Nguyên; Các tuyến nhánh, đường sắt chuyên dùng kết nối đến các đầu mối giao thông (đô thị, cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng cạn, trung tâm logistics, khu vực sản xuất, cảng hàng không…).

Riêng hệ thống đường sắt đô thị được quy hoạch trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng đảm nhận vận tải hành khách khối lượng lớn, kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia tại các ga đầu mối.

Sơ đồ mạng lưới đường sắt tầm nhìn đến năm 2050

Định hướng đến 2050 tạo nên mạng lưới đường sắt liên hoàn

Cũng theo tư vấn, quy hoạch mới đã định hướng tầm nhìn đến năm 2050 đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao và các tuyến đường sắt kết nối cảng biển, sân bay; Triển khai đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới đưa tổng chiều dài mạng lưới đường sắt là 6.354 km với 25 tuyến chính, đảm bảo kết nối 6/6 vùng kinh tế của cả nước, kết nối 48/63 địa phương, các cảng biển, cửa khẩu và kết hợp với hệ thống đường sắt đô thị để tạo nên mạng lưới đường sắt liên hoàn.

Theo đó, giai đoạn 2021-2030, cùng với cải tạo, nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện có, định hướng đầu tư 9 tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên 2 khu đoạn Hà Nội – Vinh, Nha Trang – TP.HCM đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Giai đoạn sau 2030, đối với các tuyến đường sắt mới, quy hoạch định hướng tiếp tục hoàn thành các tuyến đường sắt trên các hành lang trọng yếu như: Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trên các khu đoạn còn lại (đoạn Vinh – Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2040 và đoạn Đà Nẵng – Nha Trang hoàn thành vào năm 2050); Hoàn thành tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ, Dĩ An – Lộc Ninh, TP.HCM – Cần Thơ, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Đồng Đăng.

Cùng đó, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối vùng, liên vùng theo nhu cầu thực tế: Đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng – Hạ Long), Hạ Long – Móng Cái; Thái Nguyên – Tuyên Quang – Yên Bái; Đường sắt từ cảng Mỹ Thủy – Đông Hà – Lao Bảo kết nối với Lào; TP.HCM – Tây Ninh.

Đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng – Kon Tum – Gia Lai – Đắk Lắk – Đắk Nông – Bình Phước (Chơn Thành), trong đó ưu tiên đoạn Đắk Nông – Chơn Thành); Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, dài khoảng 84km theo nhu cầu phục vụ du lịch.

Nguồn: Baogiaothong.vn