Theo dự án, tuyến đường dài 82,75km với điểm đầu giao với Quốc lộ 14, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; điểm cuối tại nút giao đường tỉnh ĐT.825 và tuyến tránh Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa có văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa theo hình thức đầu tư công.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm hoàn thiện các hạng mục đang dang dở để thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Chơn Thành đến Đức Hòa, tạo tiền đề nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe.

Theo dự án, tuyến đường có chiều dài 82,75km với điểm đầu giao với Quốc lộ 14 tại Km 999+700 thuộc huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; điểm cuối tại nút giao đường tỉnh ĐT.825 và tuyến tránh Hậu Nghĩa thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Phạm vi đầu tư dự án chia thành 2 đoạn; trong đó đoạn 1 (Km0-Km10) sẽ tận dụng đoạn đã đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, thực hiện giải phóng mặt bằng theo giai đoạn hoàn thiện quy mô 6 làn xe cao tốc; đoạn 2 (Km10-Km82+750) sẽ được đầu tư quy mô đường cấp 3, 2 làn xe, chiều rộng nền đường 12,25m, chiều rộng mặt đường 11,25m như quy mô đã được phê duyệt và thi công dang dở, thực hiện giải phóng mặt bằng theo giai đoạn hoàn thiện quy mô cao tốc 6 làn xe.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, mặc dù chỉ được phân kỳ đầu tư theo quy mô tương đương đường cấp III, nhưng tuyến Chơn Thành-Đức Hòa vẫn đạt tiêu chuẩn hình học phù hợp với đường cao tốc loại A, vận tốc 100 km/h.

Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn phân kỳ là 3.482 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (bao gồm trả nợ cũ) là 1.166,7 tỷ đồng, chi phí xây dựng, tư vấn là 1.775 tỷ đồng…

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đề xuất dự án sẽ được đầu tư bằng vốn đầu tư công, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành vào năm 2025.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư năm 2007 bao gồm 23 gói thầu, được triển khai từ năm 2009. Đến tháng 3/2011, dự án bị dừng giãn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại thời điểm này, các gói thầu đã thi công đến móng cấp phối đá dăm loại 1, đắp đất K95, K98 và cống thoát nước; một số cầu đã thi công dang dở kết cấu phần dưới, một số đã bước sang thi công kết cấu nhịp… Riêng các gói thầu số 1, 2 và 42 được tiếp tục thi công để nối thông từ Quốc lộ 13 đến Quốc lộ 14 thuộc tỉnh Bình Phước (hoàn thành tháng 4/2015).

Trên cơ sở nguồn vốn dư của các dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép sử dụng 430 tỷ đồng để trả nợ khối lượng hoàn thành các gói thầu xây lắp đã thi công trước thời điểm giãn dừng theo Nghị quyết 11; thanh toán khối lượng hoàn thành các gói thầu 1, 2, 42 đã thi công xong để nối thông tuyến từ Quốc lộ 13 và Quốc lộ 22; thi công hoàn chỉnh cầu vượt Quốc lộ 13, cầu vượt Quốc lộ 22 và nút giao Quốc lộ 22./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)