Để đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, 59 dự án giao thông có tổng vốn hơn 225.000 tỉ đồng (tương đương gần 10 tỉ USD) vừa được Sở GTVT TPHCM đề xuất chuẩn bị các bước lập kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Công trường Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Thành phố Thủ Đức, TPHCM)
Khởi động nhiều dự án trọng điểm
Theo đề xuất của Sở GTVT TPHCM, 59 dự án được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên theo các nhóm gồm: Xây dựng các tuyến Vành đai, dự án cao tốc, dự án liên quan đường sắt đô thị, dự án thuộc danh mục thu phí cảng biển, dự án cầu đường nội đô, dự án xây cầu lớn bắc qua sông.
Trong đó, với nhóm dự án Vành đai, TPHCM sẽ ưu tiên khép kín đường Vành đai 2 (3 đoạn còn lại chưa được đầu tư dài 11km) với tổng vốn hơn 26.000 tỉ đồng. Vành đai 3 dài hơn 90km đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An giai đoạn 1 ước tính tổng vốn gần 93.000 tỉ đồng, triển khai từ năm 2023 – 2025. Đối với vành đai 4 dài 198km, đi qua TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến triển khai trước năm 2030.
Nhóm dự án đường cao tốc gồm hai tuyến TPHCM – Mộc Bài (tổng đầu tư 15.900 tỉ đồng) và TPHCM – Chơn Thành (tổng mức đầu tư hơn 21.200 tỉ đồng), thực hiện giai đoạn 2023-2025.
Nhóm dự án liên quan đến tuyến đường sắt đô thị sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng công trình kết nối đồng bộ metro số 1 và số 2 tại nhà ga Bến Thành; xây dựng và lắp đặt thang máy tại các cầu vượt bộ hành các nhà ga trên cao tuyến metro số 1; tăng cường khả năng kết nối xe buýt với metro số 1; đầu tư hệ thống quan trắc phục vụ vận hành khai thác metro số 1.
Sở GTVT cũng kiến nghị làm các bước chuẩn bị đầu tư nhiều dự án thuộc đề án thu phí hạ tầng cảng biển như hoàn thiện đoạn vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thuỷ; từ Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh – Vành đai 2; hoàn thiện đường trục Bắc – Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm.
Đối với nhóm dự án xây cầu, đường ở khu nội đô, đáng chú ý là dự nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (Thành phố Thủ Đức) với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Dự án này đã được đề xuất từ năm 2002, sau 19 năm, tổng mức đầu tư dự án đã đội lên gấp đôi nhưng đường vẫn chưa mở rộng. Ngoài ra còn có các dự án lớn khác như xây cầu đường Bình Tiên (quận 6, 8), vốn hơn 2.900 tỉ đồng; mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây nút giao Đài Liệt sĩ (quận Bình Thạnh), vốn gần 3.200 tỉ đồng…
Các dự án xây cầu lớn bắc qua sông cũng được đề xuất ưu tiên đầu tư như cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè qua Cần Giờ, tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng); Thủ Thiêm 4 (nối Thành phố Thủ Đức qua quận 7), đầu tư 5.300 tỉ đồng…
Khai thác quỹ đất để làm đường
Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các dự án trên là tìm ra chủ trương thực hiện thích hợp. Vốn ngân sách chắc chắn không “kham” nổi, thu hút vốn tư nhân thì còn rất nhiều trở ngại do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Có những dự án chỉ loay hoay xác định, thay đổi hình thức đầu tư thôi cũng đã mất đến vài năm. Do đó, các dự án trên cần nhanh chóng hoàn thiện xây dựng chủ trương đầu tư trong năm 2022 để làm tiền đề triển khai các bước tiếp theo trong những năm kế tiếp.
Sở GTVT TPHCM tính toán cần hơn 225.000 tỉ đồng (tương đương gần 10 tỉ USD) để đầu tư các dự án trên, trong đó, ngân sách thành phố cần bố trí hơn 115.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách TPHCM đã được thông qua là 142.557 tỉ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án được chuyển tiếp, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Sở GTVT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Đồng thời, thành phố nghiên cứu phát triển quỹ đất, đô thị dọc bên các tuyến đường mới để tạo nguồn lực tái đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Tiến sĩ Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM – cho rằng, ngân sách không bao giờ đủ cho đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt đầu tư các dự án lớn như đường Vành đai 3, 4 TPHCM. Theo ông Cương, luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã khai tử hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên, TPHCM có thể khai thác quỹ đất nơi các dự án đường vành đai chạy qua nhưng cần đấu giá công khai, bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia đấu giá quỹ đất, qua đó chuyển đất thành tiền, thu tiền từ đấu giá đất và mang đi làm dự án đường vành đai. Điều này sẽ khắc phục tối đa những hạn chế trong giao đất, định giá đất sau, gây thất thoát tài sản nhà nước đã từng xảy ra tại các dự án đầu tư BT trước đây.
Ngoài ra, ông Võ Kim Cương cho rằng, TPHCM cần có mục tiêu, chiến lược mạnh để các dự án trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ. Việc này cần sự quyết tâm của lãnh đạo TPHCM, cần tập trung, phân bổ nguồn vốn như thế nào cho hợp lý, không nên đầu tư dàn trải mà phải có sự tập trung.