Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, năm 2021 thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Bình Dương đạt 2,7 tỷ đô la Mỹ. Điều này cho thấy, ngoài môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) đồng bộ, hạ tầng giao thông kết nối của Bình Dương đang ngày càng phát huy lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư. Qua đó, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Hạ tầng KCN, giao thông đồng bộ, kết nối trở thành hấp lực thu hút mạnh nhà đầu tư trong và ngoài nước chọn Bình Dương phát triển sản xuất, kinh doanh
Hoàn thiện hạ tầng các KCN
Với vị trí thuận lợi, mặt bằng rộng, thông thoáng, cùng những cơ chế chính sách ưu đãi, các KCN của tỉnh đã và đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh. Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, Bình Dương hiện có 29 KCN với tổng diện tích hơn 12.660 ha và đã đưa vào hoạt động 27 KCN, với tỷ lệ lấp đầy trên 88%. Trong 2 tháng đầu năm 2022, hầu hết doanh nghiệp (DN) trong các KCN hoạt động ổn định. Bằng nhiều giải pháp như cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng… các KCN tiếp tục là khu vực tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2022, các KCN tỉnh phấn đấu thu hút 1,2 – 1,3 tỷ đô la Mỹ vốn FDI; thu hút từ 1.100 – 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; vốn đầu tư xây dựng đạt 3.120 -4.750 tỷ đồng, thu hút thêm 20.000 lao động.
Theo ông Bùi Minh Trí, trong giai đoạn tới công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới. Các KCN hiện hữu và các KCN mới đang có nhiều giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút cho các KCN để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư.
Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía bắc với các KCN làm đòn bẩy của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp rất nhanh. Trong đó, quỹ đất dành để phát triển KCN tại huyện Bàu Bàng có 1.000 ha, huyện Bắc Tân Uyên có 215 ha, TX.Tân Uyên có 1.630 ha, TX.Bến Cát có 3.200 ha và TP.Thủ Dầu Một có 765 ha. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển đô thị của tỉnh, các huyện phía bắc được xem là vùng đô thị đa chức năng, nắm giữ vai trò kết nối giao thương giữa vùng lõi trung tâm với tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Nhiều năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư, phát triển các vùng đô thị nằm ở cửa ngõ phía bắc này.
Ông Bùi Minh Trí cho biết trong tháng 3-2022, tỉnh sẽ khởi công xây dựng KCN VSIP III nằm trên địa bàn TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, quy mô 1.000 ha. KCN mới này được định hướng thu hút DN sử dụng công nghệ cao, hạn chế các ngành nghề thâm dụng lao động. Tiếp đó, trong quý II- 2022, tỉnh sẽ khởi công xây dựng KCN Cây Trường, quy mô 1.000 ha tại huyện Bàu Bàng. Cùng với đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại các KCN hiện hữu để tăng hiệu quả sử dụng đất; mở rộng KCN Nam Tân Uyên và Rạch Bắp… ưu tiên thu hút DN ứng dụng công nghệ cao.
Nâng cấp hạ tầng giao thông
Ông Kim Won Sik, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương, cho biết hiện nay các KCN của tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu của nhà đầu tư, có hạ tầng đồng bộ, giao thông kết nối ra bên ngoài và kết nối vùng thuận lợi, giúp cho hàng hóa của DN vận chuyển thông suốt, nhanh chóng. Được biết, Becamex IDC đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai dần theo mô hình KCN tích hợp đô thị – dịch vụ vào hệ thống các KCN do Becamex IDC đầu tư như Mỹ Phước 1, 2, 3, 4; KCN Bàu Bàng và Bàu Bàng mở rộng… Những KCN này đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước hình thành lớp thứ nhất trong đề án Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp – dịch vụ – đô thị. Thực hiện quyết liệt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các thủ tục đầu tư đường vành đai 3, vành đai 4 và cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, dự án cải tạo quốc lộ 13, dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông (Dự án O&M) trên tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, cầu đường nối với tỉnh Tây Ninh, cầu Bạch Đằng 2, tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, đường Thủ Biên – Đất Cuốc. Cùng với đó, nâng cấp các tuyến đường ĐT743A, ĐT747B; nút giao Sóng Thần và đường An Bình, TP.Dĩ An… để tăng tính kết nối giao thông liên vùng. Nghiên cứu, phát triển giao thông đường thủy, các cụm cảng, đường sắt và logistics thông minh để giảm áp lực các tuyến đường bộ.
Ngoài ra, để tạo đà cho sự bứt phá, trong thời gian qua tỉnh đã tích cực phối hợp với các tỉnh, thành giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng. Bên cạnh hai trục kinh tế động lực quốc lộ 13, đường Mỹ Phước – Tân Vạn và các tuyến giao thông kết nối liên vùng như quốc lộ 14, đường vành đai 4, tỉnh đang xúc tiến đầu tư thêm nhiều công trình trọng điểm ở khu vực phía bắc… Đó chính là bước chuẩn bị chu đáo trong việc thu hút các nhà đầu tư vào KCN của tỉnh.
Nguồn PLO – NGỌC THANH