Cụ thể, đoạn tuyến Đoan Hùng – Hòa Lạc – Khe Cò có chiều dài 152km, tổng vốn đầu tư 24.850 tỉ đồng. Trong đó, đoạn Tuyên Quang – Phú Thọ dài 40km, quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư 5.830 tỉ đồng; đoạn Phú Thọ-Ba Vì (Hà Nội) chiều dài 55km, quy mô quy hoạch 6 làn xe với vốn đầu tư 9.900 tỉ đồng. Đoạn Ba Vì – Chợ Bến (Hòa Bình) dài 57km, quy mô quy hoạch 6 làn xe với tổng mức đầu tư 9.120 tỉ đồng.
Đoạn Ngọc Hồi – Chơn Thành – Rạch Giá quy mô 6 làn xe, dài 759km sẽ có vốn đầu tư 129.360 tỉ đồng bao gồm các dự án thành phần như Ngọc Hồi (Kon Tum)-Pleiku (Gia Lai) dài 90km, vốn đầu tư 14.400 tỉ đồng; Pleiku-Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chiều dài 160km vốn đầu tư 25.600 tỉ đồng; Buôn Ma Thuột-Gia Nghĩa (Đắk Nông) dài 105km, vốn đầu tư 16.800 tỉ đồng; Gia Nghĩa-Chơn Thành (Bình Phước) dài 140km được đầu tư 22.400 tỉ đồng; Chơn Thành-Đức Hòa (Long An) dài 84km, vốn đầu tư 15.960 tỉ đồng.
Tiếp đó, các dự án thành phần tuyến cao tốc qua tỉnh Long An gồm Đức Hòa – Thạnh Hóa dài 33km, nguồn vốn làm là 6.270 tỉ đồng, Thạnh Hóa – Tân Thạnh dài 16km vốn đầu tư 3.040 tỉ đồng; Tân Thạnh – Mỹ An (Đồng Tháp) dài 25km, vốn đầu tư 4.750 tỉ đồng; Mỹ An-Nút giao An Bình (Đồng Tháp) có chiều dài 26km tiêu tốn nguồn vốn 4.940 tỉ đồng; nút giao An Bình-Lộ Tẻ (Cần Thơ) dài 29km, vốn đầu tư 5.510 tỉ đồng; Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (Kiên Giang) dài 51km vốn ngân sách đầu tư 9.690 tỉ đồng.
Sau năm 2030, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây sẽ tiếp tục làm thêm 284km bao gồm các đoạn Chợ Bến (Hòa Bình) -Thạch Quảng (Thanh Hóa) dài 62km; Thạch Quảng – Tân Kỳ (Nghệ An) dài 174km; Tân Kỳ – Tri Lễ (Nghệ An) dài 19km và Tri Lễ-Rộ (Nghệ An) dài 40km đều có quy mô 4 làn xe.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021, định hướng đến năm 2050, tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cao tốc dài khoảng 9.014km và mạng lưới quốc lộ dài khoảng 29.795km.
Trong số đó, giai đoạn 2021-2025 phấn đấu hoàn thành khoảng 1.800km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 3.000km. Giai đoạn 2026-2030 phấn đấu hoàn thành khoảng 2.000km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 5.000km.
Để đạt được mục tiêu này, nhu cầu vốn triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc đến năm 2030 khoảng 900.000 tỉ đồng. Trong số đó, giai đoạn 2021-2025 nhu cầu khoảng 390.000 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 dự kiến nhu cầu khoảng 510.000 tỉ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) và vốn ngoài ngân sách.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc cân đối vốn ngân sách và kêu gọi các nguồn vốn khác để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết và cần có cơ chế đột phá để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông đường bộ. Trong tổng số vốn trên, ngân sách Nhà nước đáp ứng khoảng 600.000 tỉ đồng. Bài toán đặt ra 300.000 tỉ đồng còn lại được xác định là thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.
Nguồn laodong.vn