Những năm gần đây, Bình Phước đã trở thành “điểm sáng” thu hút đầu tư tại Khu vực Phía Nam. Và ở thời điểm hiện tại, khi hạ tầng dần được hoàn thiện, các khu công nghiệp từng bước đi vào hoạt động, bất động sản Bình Phước càng được săn đón.
Bình Phước là một địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, là tỉnh có diện tích lớn nhất trong 19 tỉnh thành khu vực phía Nam. Nơi đây được ví như “cây cầu” kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và cũng là cửa ngõ giữ vai trò quan trọng của hành lang Đông – Tây. Đáng chú ý, Bình Phước có vị trí chiến lược đầy tiềm năng khi tiếp giáp với hai trong ba tam giác phát triển kinh tế (TP Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai).
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản tại Bình Phước có nhiều lợi thế bền vững để phát triển công nghiệp khi có quỹ đất rộng cũng như hạ tầng giao thông từng bước được phát triển. Đó cũng là lý do trong nhiều năm qua, giá đất tại Bình Phước luôn tăng mạnh. Khi các khu công nghiệp đi vào hoạt động, đường sá được hoàn thiện thì cùng với vị trí thuận lợi, không có lý do gì khiến Bình Phước không thể phát triển, thậm chí trở thành đô thị hiện đại bậc nhất.
Nhận định của các chuyên gia hoàn toàn có cơ sở khi hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm đang triển khai tại Bình Phước. Có thể kể đến là cao tốc TP Hồ Chí Minh – Chơn Thành – Ðắk Nông với tổng mức đầu tư khoảng 24.275 tỷ đồng; tuyến Ðồng Phú – Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.253 tỷ đồng; dự án đường sắt Dĩ An – Hoa Lư với tổng vốn đầu tư 948,6 triệu USD; quốc lộ 14 C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước, Tây Ninh, Long An với tổng kinh phí đề xuất nâng cấp là 280 tỷ đồng.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì làm việc để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 (kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành) và cầu Mã Đà. Theo quy hoạch mạng lưới thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường ĐT.753 được quy hoạch nâng cấp lên thành Quốc lộ 13C đi từ Đồng Xoài, Bình Phước đến Trảng Bom, Đồng Nai. Tháng 7/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà có chiều dài 30 km, quy mô cấp III, tổng mức đầu tư 655 tỷ đồng.
Hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai tại Bình Phước
Về phát triển công nghiệp, đến nay, Bình Phước có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686ha, trong đó 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước đề xuất quy hoạch 61 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.381 ha, tăng thêm 1.780 ha so với quy hoạch đã phê duyệt.
Theo Cục Thống kê Bình Phước, năm 2021 tỉnh đã thu hút được 70 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn 600 triệu USD, tăng gấp 2 lần về số dự án và 3 lần về số vốn so với năm 2020. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 346 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 3,5 tỷ USD. Cùng với đó, trong năm 2021, tỉnh đã phê duyệt 100 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI, Bình Phước sẽ chi gần hàn nghìn tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng trong các năm tiếp theo.
Cùng với làn sóng hạ tầng và kế hoạch quy hoạch bài bản, hàng loạt “Ông Lớn” đã đổ bộ về Bình Phước. Các tập đoàn lớn như Vingroup, FLC, Đại Nam, Becamex, Cát Tường Group,… đã về triển khai dự án tại đây. Ngoài các tập đoàn nội địa, nhiều nhà đầu tư uy tín trên thế giới như C.P. (Thái Lan); Hayat (Thổ Nhĩ Kỳ); Sung Ju – Samsung, Japfa… cũng đã xúc tiến đầu tư tại Bình Phước, góp phần thay đổi diện mạo cho thị trường bất động sản nơi đây.
Theo tìm hiểu, trong 3 năm qua, mức giá đất tại Bình Phước đã tăng mạnh trung bình trên dưới 20%/năm. Từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi đại dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, giá đất thổ cư Bình Phước đã tăng trở lại. Ví dụ, tại Đồng Phú thời điểm trước đất có giá 4-5 triệu đồng/m2 thì nay không có giá dưới 10 triệu đồng/m2.
Minh chứng cho sự phát triển bất động sản của Bình Phước chính là Huyện Chơn Thành. Cách đây mấy năm, khi các nhà đầu tư vẫn lựa chọn các địa phương như Vũng Tàu, Đồng Nai hay Bình Dương thì đến nay, rất nhiều người đã để mắt đến Chơn Thành. Nếu trước đây giá đất tại Chơn Thành dao động từ 4-5 triệu đồng/m2 thì bây giờ mức giá trung bình đã lên đến 7-10 triệu đồng/m2.
Chơn Thành là một trong những huyện sở hữu nhiều lợi thế của tỉnh Bình Phước
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Bình Phước, huyện Chơn Thành đang là địa phương thu hút mạnh dòng vốn FDI với lợi thế gần các trung tâm công nghiệp lớn. Hiện huyện Chơn Thành đã có 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 3.800 ha, chiếm 50% số khu công nghiệp của toàn tỉnh Bình Phước.
Nhờ những lợi thế kể trên, thị trường bất động sản Bình Phước đang nổi lên như điểm đến đầu tư hấp dẫn. Bên cạnh đó, nếu so sánh với các địa phương lân cận thì mức giá này nhà đất ở đây vẫn còn thấp. Ngoài ra, tỉnh cũng đưa ra những thay đổi trong cơ chế khuyến khích đầu tư để thu hút vốn. Theo đó, các nhà đầu tư được hưởng nhiều chính sách ưu đãi với cơ hội được miễn thuế, hỗ trợ quảng cáo, xúc tiến thương mại, thuê đất giá rẻ… Từ những chính sách thông thoáng và thuận lợi của tỉnh cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có ý định rót vốn vào khu vực này.
Nguồn: binhphuoc.gov.vn