Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp khiến Bình Phước trở thành thị trường tiềm năng với nhiều công ty bất động sản. Sau khi các ông lớn như Vingroup, Becamex IDC.. thì từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Đất Xanh, Tập đoàn Sungroup, FPT,… lần lượt đổ bộ thị trường này.

Là một trong 7 đô thị vệ tinh của TP HCM, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước hiện là một trong những điểm nóng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của cả nước.

Bên cạnh đó, việc định hướng đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp và thu hút lượng lớn lao động đổ về cũng khiến nhu cầu nhà ở nơi đây tăng cao, từ đó kéo theo sự sôi động của thị trường bất động sản với hàng loạt chủ đầu tư đổ về làm dự án.

Một góc TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Batdongsan.com).

Đòn bẩy từ đẩy mạnh phát triển công nghiệp thu hút lao động ngoại tỉnh

Dựa trên lợi thế vị trí tự nhiên, Bình Phước đang được kỳ vọng nối tiếp Bình Dương trở thành thủ phủ phát triển công nghiệp của khu vực phía Nam. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước sẽ quy hoạch thêm 61 cụm công nghiệp quy mô hàng chục ngàn ha.

Năm 2021, tỉnh Bình Phước đã thu hồi gần 23.000 ha đất để phục vụ chiến lược xây dựng các dự án phát triển công nghiệp.

Trước đó, tháng 8/2020, tỉnh Bình Phước cũng đề xuất các cơ quan chức năng của Quốc hội chấp thuận cho tỉnh quy hoạch 70.000 ha đất để phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao và mở rộng 3 khu công nghiệp gồm Minh Hưng III (577 ha), Bắc Đồng Phú (317 ha) và Minh Hưng Sikico (1.000 ha).

Hiện, trên địa bàn tỉnh đang có 14 khu công nghiệp và một khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với tổng diện 4.679 ha, tập trung chủ yếu tại thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành và Đồng Phú. Trong đó, hai khu công nghiệp Chơn Thành I và Nam Đồng Phú đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, 4 khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc, Đồng Xoài I, Chơn Thành II và Minh Hưng III đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%.

Bên cạnh đó, đầu năm 2022, CTCP Đầu tư Bất động sản Thành Phương đã khởi công 4 cụm công nghiệp Tân Tiến 1, Tân Tiến 2, Tân Phú, Tiến Hưng với tổng quy mô hơn 230 ha, với tổng mức đầu tư hơn 1.530 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh.

  Hình phối cảnh Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico tại tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Minh Hưng Sikico). 

Điều này đã góp phần làm tăng số lượng khu công nghiệp ở Bình Phước, kéo theo đó là lượng lớn lao động đổ về.

Thông tin từ Báo Tiền Phong, giai đoạn vừa qua, mỗi năm Bình Phước đã ghi nhận thêm hơn 10.000 chuyên gia, kỹ sư và công nhân đến làm việc tại các khu công nghiệp. Tính đến cuối năm 2021, số lượng lao động ngoại tỉnh tại Bình Phước chiếm khoảng 35% và con số này sẽ còn tăng song song cùng với sự mở rộng hệ thống khu công nghiệp.

Các tuyến cao tốc lớn nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông

Bên cạnh tiềm năng về phát triển công nghiệp, hệ thống hạ tầng giao thông tại Bình Phước cũng đang trên đà đi lên với các dự án cao tốc kết nối các địa phương quan trọng.

Gần nhất, chiều ngày 20/3, trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, UBND Bình Phước đã kiến nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép – Thị Vải.

Theo quy hoạch mạng lưới giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường ĐT 753 được quy hoạch nâng cấp lên thành Quốc lộ 13C (đi từ Đồng Xoài, Bình Phước đến Trảng Bom, Đồng Nai).

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Bình Phước ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trước mắt là giao thông đường bộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc chiến lược như TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (Bình Phước); Dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).

Cầu Mã Đà, tuyến giao thông huyết mạch kết nối Bình Phước và sân bay Long Thành (Đồng Nai). (Ảnh: Báo Dân trí).

Ngày 15/11/2021 đã diễn ra khởi công xây dựng công trình đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàng Bàng với chiều dài tuyến đường là 12,15 km, liên kết vùng giữa hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Ngày 3/8/2021, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo hình thức PPP.

Tuyến cao tốc này có tổng chiều dài 68,7 km, bao gồm hai đoạn tuyến. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư 8,6km từ nút giao Gò Dưa đến nút giao An Phú theo quy mô 10 làn xe, vốn đầu tư dự kiến 24.274 tỷ đồng và được triển khai trong giai đoạn 2021–2025.

Nguồn trích dẫn Vietnammoi.vn