BPO – Hôm nay, Bình Phước tuổi 25 – độ tuổi sung mãn nhất cả về phát triển thể chất và trí tuệ, độ tuổi mang trong mình nhiều khát vọng và hoài bão nhất. Bình Phước với bao dự án lớn đã và đang triển khai. Hàng loạt dự án phát triển công nghiệp, đô thị được xây dựng với diện tích hàng trăm, thậm chí hàng ngàn héc ta ở nhiều huyện, thị xã, thành phố, như: Becamex – Bình Phước, Minh Hưng – Sikico, Bắc Đồng Phú, Hoa Lư…
Bình Phước tuổi 25 – tuổi của khát vọng, tuổi của sự cống hiến cho xã hội, cho người thân, cho gia đình và cho sự hoàn thiện của mỗi người. Xin mượn lời bài hát “Khát vọng tuổi trẻ” của nhạc sĩ Vũ Hoàng để người Bình Phước, dù trong độ tuổi nào cũng hãy mang trong mình khát vọng của tuổi 25: “Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời. Tuổi trẻ hôm nay chung tay xây ngày mới. Dù lên rừng hay xuống biển. Vượt bão giông vượt gian khổ. Tuổi trẻ kề vai vững vàng chân bước bạn ơi. Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”.
1 và 99
Những ai sinh ra, lớn lên tại 5 huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Sông Bé trước đây, cho đến khi tái lập tỉnh Bình Phước năm 1997 và đầu những năm 2000, ấn tượng, ký ức để lại về quê hương, có lẽ sâu đậm nhất là “rừng”. Người ở nơi xa tới lập nghiệp hay khách thập phương ghé qua, ấn tượng về Bình Phước cũng là “rừng”. Đó là ấn tượng về một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, là rừng xanh bạt ngàn. Và đó cũng là ấn tượng về một miền quê thuần nông lam lũ, bộn bề khó khăn…
Khi ấy nói tới công nghiệp Bình Phước, hầu như ai cũng tường tận. Bởi đơn giản, công nghiệp Bình Phước lúc đó ai cũng chỉ nghĩ tới 5 doanh nghiệp cao su – nên dễ nhớ, còn lại gần như không có gì. Người nhiều thông tin hơn một chút, biết thêm có 2 nhà máy chế biến tinh bột mì. Còn lại gần như không nhớ được gì, bởi không có ấn tượng nào.
Tất cả điều đó vẫn còn trong ký ức của rất nhiều người. Thế nhưng, chỉ sau 2 thập kỷ, ký ức ấy đã quá khác biệt. Trước đây, 100 người đặt chân tới Bình Phước, có 99 người tới vì liên quan đến rừng. Bình Phước hôm nay, khách thập phương đặt chân tới, nếu có 1 người tìm đến vì rừng, sẽ có 99 người đặt chân tới tìm hiểu đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xây dựng công nghiệp, kinh doanh dịch vụ… Và 99 người tìm đến Bình Phước trước đây vì rừng, là để mưu sinh. Còn 1 người tìm đến Bình Phước hôm nay vì rừng là để được đắm mình trong không gian xanh Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Gần như không còn người nơi khác tới Bình Phước làm nghề liên quan đến rừng nữa. Con số ẩn dụ đó cho thấy, Bình Phước hôm nay đã khác.
Mệnh lệnh vượt dốc
Những năm đầu mới tái lập, Bình Phước là tỉnh thuần nông. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông – lâm nghiệp. Sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế với khoảng 5% GRDP của tỉnh và chủ yếu chế biến và khai thác mỏ với 31 doanh nghiệp tư nhân.
Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh chỉ đạt 75 tỷ đồng, chiếm 5% GRDP. Trong khi đó, thời điểm này, cơ cấu kinh tế 3 lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ của các tỉnh thành trong khu vực Đông Nam bộ, công nghiệp đã chiếm khoảng 50%, cao hơn trung bình chung của cả nước khá nhiều, và cũng chiếm phần lớn trong GRDP.
Đứng trước thực tế đó, để bắt kịp với khu vực, Bình Phước phải giải bài toán khó khi thua kém quá xa với các tỉnh, thành bạn cũng như cả nước. Bài toán đó, cũng là một mệnh lệnh, phải “vượt dốc” ngay sau ngày tái lập tỉnh – cũng là thời điểm đất nước mở cửa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Xuất phát điểm thấp, nếu không tăng tốc phát triển, Bình Phước sẽ “mãi mãi là người đến sau” so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Mệnh lệnh đó đã ngấm vào máu của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành đến lãnh đạo cấp cơ sở và cả trong ý thức của mỗi người dân. Và cốt lõi của lời giải bài toán ấy, là phải phát triển công nghiệp trong điều kiện cơ sở hạ tầng rất yếu kém. Hàng loạt chủ trương được đưa ra. Trong đó, một trong những chủ trương trọng tâm là đầu tư xây dựng hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, song song đó là chính sách “trải thảm đỏ” để mời gọi thu hút đầu tư.
- Năm 1997, Bình Phước chưa có khu công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 5% cơ cấu kinh tế.
- Năm 2021, Bình Phước có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.061 ha, tỷ lệ lấp đầy 71,5%, trong đó có 8 khu đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%, 346 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 3,579 tỷ USD, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 43,8% cơ cấu kinh tế.
- Năm 1997, Bình Phước có 103 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hơn 1.200km, tỷ lệ đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất chiếm 84%.
- Năm 2021, Bình Phước có 2.855 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 9.102km, trong đó, các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 13, quốc lộ 14, ĐT741 và các tuyến đường tỉnh, đường liên huyện, liên xã đã nhựa hóa 100%.
Với chủ trương phát triển hạ tầng giao thông là cơ sở, tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội, sau 25 năm tái lập, hạ tầng giao thông của Bình Phước đã có bước phát triển vượt bậc, từng bước hiện đại. Từ một địa phương bất lợi về địa lý và giao thông, nay Bình Phước cùng các tỉnh, thành trong khu vực đã và đang xúc tiến các bước thủ tục xây dựng 2 tuyến đường cao tốc Bình Phước đi Tây nguyên và Bình Phước đi TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở 2 tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 13, quốc lộ 14. Đó còn là tuyến đường sắt xuyên Á hình thành trong nay mai, từ Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, đi theo tuyến quốc lộ 13 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Hàng loạt tuyến đường giao thông khác đã, đang và sẽ được xây dựng để kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đông Nam bộ, Tây nguyên, đi các nước Đông Dương, trong đó Bình Phước là một giao điểm đi tất cả các hướng. Những tuyến đường này đã và đang rút ngắn khoảng cách giữa Bình Phước với các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam bộ và miền Tây, trở thành cú hích thúc đẩy phát triển công nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế Bình Phước nói chung.
Tự hào với bè bạn
Tất cả điều đó đã tạo tiền đề cho các khu, cụm công nghiệp nhanh chóng được hình thành khắp các địa bàn trong tỉnh. Sau 25 năm tái lập tỉnh, công nghiệp Bình Phước phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định vị thế của tỉnh. Minh chứng rõ nét nhất, trong cơ cấu kinh tế của Bình Phước năm 2021, công nghiệp – xây dựng đã chiếm 43,8% và mục tiêu năm 2022 là 44%, cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của cả nước (năm 2020 khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 33,72%).
- Năm 1997, Bình Phước có 441km đường dây hạ thế, 436km đường dây trung thế, 324 trạm biến áp phân phối điện. Toàn tỉnh chỉ có gần 17% hộ được sử dụng điện. Lưới điện cũ nát, chắp vá, thường xuyên quá tải và xảy ra sự cố.
- Năm 2021, Bình Phước đã có 1 trạm biến áp 220kV, 9 trạm biến áp 110kV, 8.973 trạm biến áp phân phối điện TBA. Toàn tỉnh có 8.340km đường dây truyền tải điện, trong đó 4.369km đường dây trung áp, 3.971km đường dây hạ áp, 99,15% hộ đã có điện sử dụng, đáp ứng đủ nhu cầu điện công nghiệp…
Công nghiệp Bình Phước đã và đang tạo ra sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng mặt hàng xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp đóng góp to lớn vào kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 17,8% so với năm 2020. Năm 2021, Bình Phước có 1.020 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trung bình mỗi ngày có 2,8 doanh nghiệp được thành lập trên địa bàn tỉnh – con số vô cùng ấn tượng trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19…
Bình Phước có truyền thống lịch sử hào hùng, đã đi vào thi ca, khắc sâu trong tâm khảm của cả nước. 25 năm qua, mệnh lệnh vượt dốc ngày nào đã và đang biến ước mơ Bình Phước trở thành một tỉnh công nghiệp dần hiện rõ. Hình ảnh Bình Phước nông nghiệp, xuất phát điểm thấp, nay đã đổi thay. Bình Phước đã có thể tự hào kể với bạn bè về các thành tựu phát triển vượt bậc của mình, đặc biệt là trong phát triển công nghiệp khi nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp phủ kín khắp mọi nơi. Công nghiệp đã và đang đặt nền móng cho Bình Phước cất cánh.
Trần Phương (baobinhphuoc.com.vn)