Chiều dài tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là khoảng 70km. Tổng mức đầu tư dự án là 36.000 tỷ đồng, được đề xuất đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM và Tỉnh ủy Bình Phước vừa có buổi làm việc để thống nhất chủ trương triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành dài 69km, có điểm đầu là huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) và điểm cuối là nút giao Gò Dưa. Mặt cắt ngang tuyến là 60m.
Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tuyến cao tốc này dự kiến kéo dài tới cửa khẩu Hoa Lư kết nối với Campuchia, mức đầu tư 24.150 tỷ đồng, quy mô 6-8 làn xe, thực hiện trong giai đoạn 2020-2030. Tuyến sẽ bắt đầu nút giao Gò Dưa, đi theo đường tỉnh lộ 43 đến giáp ranh địa bàn tỉnh Bình Dương, lộ giới 60m. Đoạn đi qua TP.HCM dài 2km. Lộ giới 60m.
Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là dự án quan trọng kết nối TP.HCM, Bình Dương và Bình Phước. Ảnh minh họa
Trước đó, vào tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo hình thức đối tác công ty. Về vốn triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn 2021-2025.
UBND TP.HCM kiến nghị thống nhất chủ trương sớm đầu tư cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành trên địa bàn TP.HCM, giải phóng mặt bằng 1 lần đủ lộ giới quy hoạch, đầu tư trong giai đoạn 2021-2025; bên cạnh đó thống nhất để UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ trì làm việc với các bộ ngành và các địa phương về phương thức đầu tư, nguồn vốn thực hiện.
Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất thay đổi hướng tuyến cao tốc này nhằm đảm bảo tính kết nối. Cụ thể, chiều dài tuyến là khoảng 70km, khái toán kinh phí khoảng 36.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Phước có 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đăk Nông – Chơn Thành. Trong tổng vốn đầu tư, dự kiến vốn của nhà đầu tư là 19.000 tỷ đồng. Đoạn đi qua địa bàn TP.HCM dài khoảng 1,5km, khái toán khoảng 3.000 tỷ đồng, bắt đầu từ nút giao Gò Dưa đi trên cao đến ranh tỉnh Bình Dương.
Đoạn đi qua Bình Phước dài khoảng 11,5km, khái toán khoảng 3.000 tỷ đồng. Đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 57km, khái toán 30.000 tỷ đồng. Đoạn tuyến này có khoảng 10 cầu vượt và 28km đi trên cao.
UBND tỉnh Bình Phước đề nghị TP.HCM thống nhất về phương án, quy mô như đề xuất. Ngoài ra, 3 địa phương cần cùng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh hướng tuyến và sớm đề xuất Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2030 theo hình thức đối tác công tư, kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn.
Nguồn Khánh Trang – batdongsan.com.vn